23 Nguyễn Ngọc Tuyết Nhi

(Tranh ảnh minh họa bài "Sóng" của nhóm vẽ: 32 Vũ Hoàng Anh Thư, 14 Trần Lan Hương, 07 Thái Quang Duy, 03 Võ Thụy Anh)

Đề 6: Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau để thấy được ngòi bút hiện thực – lãng mạn của người nghệ sĩ tài hoa:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứChiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, sách Ngữ văn 12, tập 1)


Bài làm

(Các chiến binh Tây Tiến - Ảnh tư liệu Trung đoàn 52)
Nguồn: https://tuoitre.vn/70-nam-tay-tien-ky-cuoi-khuc-quan-hanh-bi-trang-20181231114738432.htm

         Chiến tranh, người lính từ lâu đã là một đề tài rất đỗi thân thuộc trong dòng chảy thơ ca cách mạng Việt Nam. Ghi dấu trên chặng đường lịch sử khốc liệt ấy là những tuyệt tác đi cùng năm tháng, những bức chân dung thiêng liêng, xúc động về hình tượng người lính để lại nhiều nỗi niềm cho người đọc. Một trong những bức tranh đẹp nhất, hiện thực nhất phải kể đến “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Tác phẩm xây dựng thành công hình tượng người lính trẻ thủ đô hồn nhiên tuổi xuân thì, tràn đầy hoài bão lần đầu nếm trải mùi vị bi ai của chiến tranh. Bằng bút pháp lãng mạn đầy tráng lệ, Quang Dũng đã tô đậm một vẻ đẹp chân thực, bi hùng của người lính cách mạng trung kiên, quả cảm qua đoạn trích:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

          “Tây Tiến”, thi phẩm hiện đại ra đời cuối năm 1948, luôn là một ký ức đẹp gợi nhớ độc giả về người thi sĩ, họa sĩ Quang Dũng. Nguồn cảm hứng của “Tây Tiến” dẫn ta trở về những năm tháng mịt mù khói lửa. Người chiến sĩ trẻ tham gia binh đoàn Tây Tiến, sát cánh bên cạnh những người đồng đội cùng bảo vệ biên giới Việt – Lào. Nay chuyển sang đơn vị mới, nỗi niềm nhớ nhung xen lẫn tự hào của chàng thanh niên ấy như trực trào, mong muốn được giải bày qua ngòi bút văn chương. Quang Dũng viết nên “Tây Tiến” như một hồi ức vô giá ông gửi gắm về nơi đơn vị cũ chốn núi rừng. Nằm trong tập thơ “Mây đầu ô”, “Tây Tiến” dù trải qua bao nhiêu tên gọi vẫn mang hoài một vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, tráng lệ; vẻ đẹp con người chiến đấu kiêu hùng, đậm tính hiện thực chiến tranh nhưng mang màu sắc tự sự đầy lãng mạn qua ngòi bút đặc trưng của Quang Dũng.
Dòng chảy câu chuyện chốn rừng thiêng nước động đạt cao trào trong mạch cảm xúc của bài thơ, hình ảnh trung tâm trong nỗi nhớ về “Tây Tiến” của tác giả là ở đoạn thứ ba, khắc hoạ hình ảnh người lính Tây Tiến hào hùng, lẫm liệt và bi tráng. Bức chân dung người lính Tây Tiến được vẽ bằng những nét chấm phá phi thường, khác lạ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

          Thi sĩ Quang Dũng vận dụng sự quan sát và mang vào câu thơ một vẻ đẹp kiêu hùng của người chiến sĩ. Một vẻ đẹp đầy tính hiện thực: Mặc cho sự thiếu thốn hiểm trở, họ vẫn vượt lên, xem thường mọi khổ ải. “Đoàn binh” như có âm vang tiếp nối lời miêu tả “không mọc tóc” gợi ra nét ngang tàng, tiếng bông đùa giữa những người trai trẻ như che mờ đi một hiện thực tàn khốc. Người lính không mọc được tóc vì bị căn bệnh sốt rét rừng hành hạ, vì sự thiếu thốn lương thực, thuốc men. Câu thơ độc đáo vẽ nên bức họa đầy hiên ngang, dữ dội, lẫm liệt của đoàn quân Tây Tiến. "Quân xanh màu lá dữ oai hùm" càng tô đậm sự tương phản của bức họa ấy. "Xanh màu lá" chính là nước da xanh xao do bệnh tật, thiếu thốn trăm bề chốn núi rừng nhưng qua cảm hứng anh hùng và bút pháp lãng mạn, hào hoa của Quang Dũng thì màu xanh ấy lại như đang miêu tả nét dữ dội của núi rừng, không hề gợi lên chút suy nghĩ tiều tụy, gầy yếu. Ẩn dụ “dữ oai hùm” làm toát lên vẻ ngoài dữ dội nhưng ẩn sâu bên trong một tinh thần thượng võ kế thừa từ ngàn đời cha ông chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

           Trong thời khắc gian khổ ấy, tiềm thức người chiến sĩ Tây Tiến vẫn “mơ”, mơ một giấc mộng thật đẹp, lấp lánh ánh đèn phố thị:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”

           Hai câu thơ tiếp theo điểm tô một nét đẹp khác trên nền bức chân dung người lính Tây Tiến: nét hào hoa của những thanh niên Hà Nội trẻ giàu niềm nhiệt huyết, nhiều mơ mộng. Trong những ngày tháng chiến đấu ở nơi núi rừng miền Tây xa thẳm và cực kì gian lao, khắc nghiệt, Hà Nội với những “dáng kiều thơm”, ẩn dụ cho bao hàng cây thấp thoáng tà áo dài nữ sinh trong gió vẫn hiện về trong giấc mơ, nỗi nhớ ấy da diết, là cõi đi về trong mộng. Ranh giới hiện thực mờ dần: “trừng” do tâm trí nhức mỏi, chịu sự hành hạ của căn bệnh sốt rét rừng hay do lòng căm thù giặc mà buộc phải bộc phát; “mộng qua biên giới” ở đây là mộng lập công hay mộng được một lần trở về chốn phố thị. “Mắt trừng” lột tả nét dữ dội, khốc liệt của chiến tranh, ánh mắt đanh thép thể hiện ý chí bảo vệ tổ quốc không quản thân mình.

               Người lính Tây Tiến kiêu hùng với trái tim nồng nàn tình yêu nước hiện lên lãng mạn nhưng cũng không kém phần chân thực. Hai câu thơ nối tiếp vẽ nên lí tưởng những chiến sĩ trẻ khi chẳng màng tuổi xuân chiến đấu nơi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.”

               “Tây Tiến” thuộc số ít những bài thơ nói về điều đó một cách thấm thía bằng cảm hứng bi tráng. Cái chết, dù là sự hi sinh, cũng không thể nào không gợi lên một cảm xúc bi thương. Đảo ngữ “rải rác” gợi lên hình ảnh những nấm mồ vô danh nằm trơ trọi miền biên cương viễn xứ lại càng nhân lên cảm xúc bi thương ấy. Quang Dũng sử dụng những từ ngữ Hán Việt nhấn mạnh sự trang trọng cho câu thơ “biên cương”, “viễn xứ”. “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” là cách nhìn thẳng của tác giả vào sự thật khốc liệt của chiến tranh: cái chết vốn có lẽ được định trước. Hình ảnh ẩn dụ “đời xanh” lại tương phản sự chết chóc ấy với một lí tưởng thiêng liêng: quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Chỉ vỏn vẹn hai câu thơ đã khẳng định được khí phách của tuổi trẻ không chỉ tự nguyện chấp nhận, mà còn vượt lên niềm sợ hãi với cái chết, sẵn sàng dâng hiến cả sự sống, tuổi trẻ cho nghĩa lớn của dân tộc: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Đây không phải là một cách nói của thi ca mà thực sự đã là dũng khí tinh thần của nhiều thế hệ cha anh Việt Nam nghìn năm bảo vệ đất nước.

                  Cũng hiếm có trong thơ những câu thơ tả trực tiếp giờ phút vĩnh biệt những người đồng đội, như hai câ

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

                Ngày xưa, tướng sĩ chôn ở sa trường lấy da ngựa bọc thân làm niềm kiêu hãnh. Nay, người chiến sĩ ngã xuống chốn biên cương thiếu thốn, đồng đội chỉ có thể khâm liệm bằng chính bộ quân phục chiến đấu. Quang Dũng chọn “áo bào” gợi lên cho ta một nét đẹp cổ kính, thiêng liêng gắn kết chặt chẽ tình yêu nước hào hùng từ ngàn xưa vang vọng của những bậc tiền nhân: Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão. Chữ “về” gợi tình cảm gần gũi, yêu thương: người lính được đất mẹ nuôi lớn, nay lại trở về trong lòng mẹ, những người con ra đi vì Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng ấy cũng là khoảnh khắc câu vĩnh biệt không thốt nên lời giữa những người đồng đội, vang lên tiếng gầm của dòng sông Mã như một khúc độc hành bi tráng. Phép nhân hóa “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” biến khung cảnh thiên nhiên như sống dậy, bật lên tiếng chào lần cuối, nhạc điệu hòa khúc tiễn đưa linh hồn bao chiến sĩ tử trận. Trường ca những con người trẻ tuổi chiến đấu vì dân, vì nước khép lại thật hào hùng. Không một tiếng oán than, cái chết bao trùm hai câu thơ không chút bi lụy. Người chiến sĩ, thi sĩ chấm phá nét cuối cùng đầy lãng mạn, thanh thản gửi lại những người bạn mình, những người đồng chí đã anh dũng chống giặc ngoại xâm trên nền cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ.

            Đoạn trích khéo léo thể hiện tài năng người thi sĩ thông qua bút pháp lãng mạn, nhấn mạnh vẻ đẹp của sự hi sinh vì lí tưởng cách mạng, mang sắc xanh của núi rừng, của nguồn cội, của màu áo đoàn quân Tây Tiến. Từng dòng thơ như đậm ý nhạc chất họa, khung cảnh chiến trường tàn khốc qua ngòi bút người thi sĩ lại trở nên vô cùng hào hoa, giàu chất tạo hình. Biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh song hành cùng hệ thống ngôn từ phong phú mang cho người đọc những trải nghiệm xúc động khó thể nào quên.

          Bức họa một tập thể anh hùng tiêu biểu cho một thời kì lịch sử bi tráng sẽ còn sống mãi trong lòng người đọc. Quang Dũng đem hết tình yêu thương, những hồi ức quý giá gửi gắm vào “Tây Tiến” sẽ được lưu giữ mãi đến những thế hệ mai sau, nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng hòa bình, biết ơn bao mồ hôi xương máu đã đổ xuống vì quê hương, vì từng tất đất của dân tộc.


Nhận xét

  1. Bài viết của bạn mạch lạc, trôi chảy, ngôn từ phong phú, bạn có khả năng phân tích các biện pháp tu từ và phân tích nội dung rất tốt. Có thể nói bài viết đã làm rõ được tính hiện thực và lãng mạn trong ngòi bút Quang Dũng. Tuy nhiên, hai câu đầu bạn thiếu luận điểm, mình nghĩ do bạn biết liền với phần giới thiệu chung, bạn nên viết luận điểm là một câu tách rời. Nên chèn thêm hình ảnh minh họa nhiều hơn. Phần nhận xét và mở bài ít hơn mở bài làm cho bài viết không đồng đều.

    Trả lờiXóa
  2. Bài làm bạn có sự đầu tư về mặt nội dung, bài không dài dòng, ngắn gọn nhưng vẫn truyền tải được nội dung một cách cụ thể, có sự liệt kê và giải thích rõ ràng, dễ chạm đến trái tim người đọc. Còn về mặt hình ảnh, bạn có thể bổ sung thêm hình ảnh cho bài thêm sinh động hơn<3

    Trả lờiXóa
  3. Bài làm của bạn mạch lạc, sử dụng từ ngữ phù hợp và phân tích sâu từ nghệ thuật đến nội dung vừa làm cho bài phân tích thêm sâu sắc, cảm xúc rất lôi cuốn người đọc vừa cho thấy sự tài hoa, tài năng trong cách sử dụng ngòi bút hiện thực- lãng mạn. Tuy nhiên có vài lỗi bấm máy như " câ" ở câu luận điểm hai câu cuối của đoạn phân tích. Mình nghĩ do lỗi máy một tí mên nếu được chỉnh lại sẽ hoàn chỉnh hơn.

    Trả lờiXóa
  4. Bố cục bài văn chặt chẽ , có luận điểm rõ ràng,xúc tích, đầy đủ ý. Cách dẫn dắt vào từng câu thơ tự nhiên , bộc lộ được những cảm xúc của người viết. Có đầy đủ cách bước làm bài văn nghị luận văn học, hình ảnh minh họa rõ ràng.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét