Đề 1: Phân tích hình tượng sóng trong khổ 1-3 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Anh/Chị cảm nhận gì về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng này?
Bài làm
Tình yêu luôn là thứ tình cảm đẹp đẽ, lớn lao. Dù là ai, ở thời đại nào thì nó cũng đem lại cho ta những cung bậc cảm xúc khác nhau. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tình yêu lại là nguồn cảm hứng bất tận cho mọi thi sĩ thăng hoa. Ta từng biết đến một triết lí về tình yêu đầy ngụ ngôn của Tago, một tình yêu rất đỗi nồng nàn nhưng rất cao thượng của Puskin. Hay đến cả Xuân Diệu cũng phải đắm say để rồi “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Và Xuân Quỳnh, tiếng lòng của nữ thi sĩ khi nhắc đến tình yêu là tiếng lòng đại diện cho những khao khát bình dị đời thường nhưng cũng chất chứa những dự cảm day dứt về giới hạn của tình yêu. “Sóng” là một minh chứng rõ ràng nhất. Nó được coi là đóa hoa thơm và loại đẹp nhất nở dọc chiến hào.Sau đây ta sẽ đi vào ba khổ thơ đầu để phân tích hình tượng sóng và cùng nhau cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
“Dữ dội và dịu êm.....Từ nơi nào sóng lên”
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, thơ bà luôn giàu những xúc cảm suy tư, lúc hạnh phúc lúc khổ đau, đặc biệt là khi viết về đề tài tình yêu trên cương vị một người phụ nữ từng đổ vỡ hôn nhân, lại tìm được hạnh phúc mới, với sự đằm thắm mặn mà của thiên chức làm mẹ, làm vợ. Trong số các tác phẩm của Xuân Quỳnh thì “Sóng” là một bài thơ xuất sắc viết về đề tài tình yêu với hình tượng sóng tượng trưng cho hình tượng người phụ nữ trẻ trong công cuộc tìm kiếm tình yêu, tìm kiếm hạnh phúc. “Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” được xuất bản năm 1967. Trong những đoạn đầu của bài thơ, nhà thơ miêu tả "sóng" với những sắc thái, những cung bậc khác nhau để rồi từ đó nói tới quy luật của tình yêu.
“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽSông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể”
Sóng ấp ủ trong mình hai cá tính đối lập, một bên là sự ồn ào, dữ dội đầy nhiệt huyết và sôi nổi, một bên lại mang những mặt êm đềm, lặng lẽ và dịu dàng, thế nhưng có một điều rằng sóng luôn ôm trong mình những khát khao được thấu hiểu, được sẻ chia. Sóng sẵn sàng từ bỏ một dòng sông quá đỗi yên bình, bó hẹp để vươn ra biển lớn, để tìm thấy những cảm xúc mới, để được thỏa sức vẫy vùng, tựa như những khát khao lớn trong tình yêu của người phụ nữ. Sóng là đại diện cho hình ảnh người con gái trẻ hiện đại khi đối mặt với tình yêu, vẫn giữ cho mình những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, bên cạnh đó Xuân Quỳnh cũng mạnh mẽ thể hiện cái tôi cá nhân, người phụ nữ trở nên mạnh mẽ và chủ động hơn trong tình yêu để tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Ngoài ra người ta còn nhận ra rằng những con sóng sôi nổi chính là đại diện của một tình yêu mãnh liệt, là tình yêu trong sáng của những con người son trẻ, khi bên nhau họ khát khao được bộc lộ bản thân một cách ồn ào và dữ dội, nhưng đôi lúc họ lắng lại để nghe tiếng trái tim hòa nhịp đập để thấu hiểu nhau hơn. Ngay từ khổ thơ mở đầu của bài thơ đã giúp ta có những liên tưởng về tình yêu qua đặc trưng của sóng biển. Sóng được miêu tả đi liền với trạng thái tâm lý của người phụ nữ khi yêu. Từ những trạng thái cụ thể của sóng và em trong khổ thơ đầu, đến khổ thơ thứ hai, Xuân Quỳnh đã đi tới một nhận xét mang tính khái quát, vừa giàu suy tư, vừa chan chứa cảm xúc về quy luật muôn đời.
"Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ"
Bằng hình tượng sóng, những nét đẹp trong tâm hồn người phụ nữ được bộc lộ một cách tinh tế và hồn nhiên "ôi con sóng ngày xưa” “và ngày sau vẫn thế", đó là sự thủy chung sắt son một lòng đối với tình nhân, tình yêu ngày nào đắm say, thì đến nay những khát vọng nồng nàn về tình yêu vẫn hằng thổn thức trong trái tim của người con gái, chưa thay đổi một lần nào mà chỉ có thêm đậm đà và sâu sắc. Không những tượng trưng cho hình ảnh người con gái, sóng còn là dáng vẻ của tình yêu trong đôi mắt của Xuân Quỳnh, một tình yêu nồng nàn và mãnh liệt, những khát vọng tình yêu ấy vốn đã là quy luật của tạo hóa, luôn làm trái tim con người ta phải bồi hồi thổn thức. Nối liền với khổ hai là khổ ba,mở đầu khổ ba là một không gian rộng lớn mênh mông:
"Trước muôn trùng sóng bểEm nghĩ về anh, emEm nghĩ về biển lớnTừ nơi nào sóng lên"
Nhìn trùng dương sóng bể, người thiếu nữ bâng khuâng nghĩ về mối tình đầu, nghĩ về duyên số, "em nghĩ về anh, em", và tự hỏi: "Từ khi nào sóng lên". Cái huyền diệu của vũ trụ, của sóng đại dương cũng như cái huyền diệu của tình yêu thật vô cùng. Sau khi tìm hiểu rõ về ba khổ thơ trên thì chúng ta có thể cảm nhận được về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Thứ nhất, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu thể hiện qua hình tượng sóng vừa mang những nét truyền thống vừa mang những nét hiện đại. Sự gắn kết hài hòa chuyển thành sự hòa kết trong một tâm hồn đã tạo ra nét rất riêng cho vẻ đẹp người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh. Thứ hai, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh viết, rất mạnh dạn, chủ động trong tình yêu, dám vượt qua mọi trở ngại, gian lao, lo âu trước sự hữu hạn của thời gian nhưng tin vào sức mạnh của tình yêu, hướng tới một tình yêu bất diệt. Cuối cùng là người phụ nữ khi yêu thường có nhiều cung bậc cảm xúc giống như những con sóng vậy.
Tác giả thật tinh tế khi chỉ dựa vào việc quan sát, phân tích về những con sóng trước biển cả mênh mông mà cũng có thể phát hiện ra những cung bậc đa dạng, phức tạp của cảm xúc trong tâm hồn của người phụ nữ đang yêu. Bài thơ thể hiện niềm khao khát về tình yêu, về hạnh phúc của một người phụ nữ vừa truyền thống, vừa hiện đại trong tình yêu. Tác giả không chỉ khéo léo khi ví hình ảnh con sóng giống như người phụ nữ khi yêu mà còn khéo léo khi sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật hết sức độc đáo. Bài thơ sử dụng các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, đối lập - tương phản,... Cách ngắt nhịp hết sức linh hoạt, phóng khoáng và cách gieo vần, phối âm độc đáo, giàu sức liên tưởng. Thể thơ năm chữ tạo âm điệu sâu lắng, dạt dào, như âm điệu của những con sóng biển và cũng là sóng lòng của người phụ nữ khi yêu. Xây dựng hình ảnh ẩn dụ - với hình tượng sóng, vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa ẩn dụ.
Tác giả Xuân Quỳnh đã thổi vào tâm hồn người đọc những cảm xúc thật giản dị, nhưng vô cùng mãnh liệt về tình yêu của mình. Bài thơ “Sóng” đã trở thành một tuyệt phẩm vô cùng hay của tác giả về đề tài tình yêu. “Sóng” trở thành dấu ấn riêng khó phai khi nhớ về thơ của Xuân Quỳnh. Các câu thơ mặc dù ngắn về số lượng từ nhưng lại có sức cô đọng ,giàu giá trị gợi hình và gợi tả. Để rồi, người đọc cũng cảm thấy những con sóng đang gối thúc vào lòng mình. “Sóng” – Bài thơ cho tình yêu của phụ nữ.
Luận điểm của mỗi khổ thơ thì bạn Giang phải tách riêng ra 1 đoạn xong sau đó mới xuống dòng trích thơ rồi phân tích. Bài bạn cũng còn thiếu 1 vài nghệ thuật:3
Trả lờiXóaVăn của bạn viết mượt mà, đậm chất văn
ở đoạn phân tích khổ đầu bạn Giang đã hoàn thành tốt trong việc làm nổi bật hình ảnh người phụ , giúp hình ảnh người phụ nữ trở nên mạnh mẽ và cá tính hơn đồng thời bạn cũng chỉ ra được điểm ẩn dụ của khổ đầu khi nói về tình yêu giữa hai người trẻ. Tuy nhiên trong khổ thơ bạn vẫn bị lặp từ và bạn nên tập trung phân tích đoạn này kĩ hơn một tí để bài hay hơn nhenn
Trả lờiXóaƯu điểm : - Bố cục bài văn tương đối hợp lý , rõ ràng , có đủ mở bài , thân bài , kết bài ,trích thơ .
Trả lờiXóa- Diễn đạt : Lời văn trôi chảy , mạch lạc , giàu cảm xúc ; cách trích thơ đúng yêu cầu .
Góp ý : Chưa tách được phần luận điểm 1 với giới thiệu chung , các luận điểm còn lại cần nêu rõ trước phần trích thơ , không nên gộp chung với phần phân tích ở đoạn trước .
Cách khắc phục : Mỗi luận điểm cần viết xuống hàng thành một đoạn mới để bố cục bài văn hợp lý hơn , độc giả dễ theo dõi.
Dạ nhận xét của Nguyễn Gia Hân-stt:11
Xóa